Phỏng vấn xin việc luôn là một chủ đề có rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là các sinh viên mới ra trường. Bài viết sau đây hi vọng sẽ giúp các bạn phần nào hình dung cụ thể hơn một buổi phỏng vấn thực tế.
Các câu hỏi trong buổi phỏng vấn thực ra đều có quy luật và có thể dự đoán trước được ở nhà. Chúng không hề mang tính ngẫu nhiên, may rủi như chúng ta vẫn nghĩ.
Các câu hỏi trong buổi phỏng vấn sẽ tạm chia ra làm 5 loại:
- Các câu hỏi mang tính chất thủ tục. Đây là các câu hỏi với mục đích xã giao. Ví dụ như giới thiệu về bản thân, quá trình học tập, các dự án đã làm. Những loại câu hỏi này thuộc thì quá khứ, các bạn không thể thay đổi được đáp án. Người phỏng vấn sẽ thông qua đó để đánh giá các bạn có phù hợp với dự án hay không. Ví dụ như bạn đã có gia đình hay chưa (có gia đình rồi thì sẽ ít OT hơn độc thân), khoảng cách từ nhà bạn đến công ty. Phần được chú trọng nhất ở đây là kinh nghiệm về những dự án bạn đã làm. Các bạn sinh viên hay nhầm lẫn rằng sinh viên mới ra trường là không có kinh nghiệm. Như vậy là sai, sinh viên mới ra trường có thể lấy kinh nghiệm từ quá trình thực tập hoặc đồ án làm trong trường. Người phỏng vấn sẽ đánh giá cao nếu như kinh nghiệm đó phù hợp với dự án đang tuyển. Tuy nhiên người phỏng vấn sẽ không tin tưởng luôn, mà sẽ xác minh lại một lần nữa thông qua loạt câu hỏi ở bước 2 sau đây.
- Các câu hỏi xác minh năng lực thông qua những dự án mà bạn đã làm. Đây cũng là những câu hỏi thuộc loại dự đoán được. Thường họ sẽ hỏi kỹ hơn về những task khó mà bạn đã làm hoặc bạn thấy tâm đắc. Cách bạn tư duy và giải quyết vấn đề. Nếu như trong CV các bạn ghi quá phóng đại thì bạn sẽ dễ trượt với những câu hỏi này. Những bạn nào yêu thích công việc của mình thường sẽ trả lời tốt những câu hỏi này.
- Các câu hỏi về tâm lý. Đây cũng là những câu hỏi gần như cố định trong buổi phỏng vấn nếu như bạn trả lời tốt các câu hỏi ở bước 2. Những câu hỏi ở phần này giúp nhà tuyển dụng đánh giá được tính cách của bạn có phù hợp với team và văn hóa công ty hay không. Ví dụ như: Tại sao em lai muốn apply vào dự án này, dự định lâu dài của em, em thấy thế nào về môi trường làm việc và các sếp hiện tại, tại sao em lại chuyển việc,… Để trả lời tốt những câu hỏi này các nên suy nghĩ thật kỹ về dự định lâu dài của mình, những gì mà bạn muốn làm trong tương lai.
- Các câu hỏi liên quan đến dự án mà bạn ứng tuyển. Đây cũng là những câu hỏi có thể đoán trước được ở nhà. Ví dụ như dự án làm camera driver sẽ hỏi bạn các câu hỏi liên quan đến camera driver. Nếu bạn trả lời được các câu hỏi này thì sẽ được đánh giá cao. Tuy nhiên nếu các bạn chỉ trả lời tốt các câu hỏi ở mục 2, 3 và 5 ở dưới đây thì khả năng pass cũng rất cao rồi.
- Các câu hỏi về chuyên môn mang tính chất ngẫu nhiên. Về những kiến thức phổ thông như ngôn ngữ lập trình, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, lập trình vi điều khiển, hệ điều hành,… người phỏng vấn sẽ đưa ra những câu hỏi ngẫu nhiên. Nếu các bạn làm nhiều rồi thì trả lời những câu hỏi này không vấn đề gì cả.
Trên đây là một vài chia sẻ về những câu hỏi khi phỏng vấn, hi vọng sẽ giúp các bạn tự tin và chuẩn bị ở nhà tốt hơn.