CV là một yêu cầu bắt buộc từ nhà tuyển dụng đối với mỗi người đi xin việc và tất nhiên viết CV là một kỹ năng quan trọng để có ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kỹ năng viết CV tốt. Bài viết sau đây hy vọng có thể chia sẻ vài lời khuyên về cách viết CV để làm cho nó thu hút hơn và phản ánh đầy đủ khả năng của bạn.
Đầu tiên viết CV cũng giống như bạn viết văn, bạn cần phải viết sao cho liền mạch và logic. Xuyên suốt trong CV của bạn sẽ thể hiện ra điểm mạnh và mục tiêu nghề nghiệp của các bạn. Việc xác định mục tiêu nghề nghiệp trước sẽ giúp bạn có một hướng đi rõ ràng và giúp CV của bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng.
Do vậy trước khi viết CV, bạn cần tự đặt câu hỏi cho bản thân: “Tôi muốn phát triển sự nghiệp của mình như thế nào?” hay “Lĩnh vực nào là niềm đam mê lớn nhất của tôi?” Có bạn muốn chuyên sâu về tầng middle ware, số khác thích kernel và driver, có bạn lại thích tầng app, một số bạn thích theo hướng full stack để có thể thiết kế cả hệ thống embedded. Sau khi xác định được mục tiêu và sự khác biệt của bản thân, chúng ta sẽ tiến hành viết CV.
Phần I: Mở đầu
Phần đầu của CV nên giới thiệu về mục tiêu nghề nghiệp của các bạn trước. Viết ngắn gọn và dễ hiểu về mục tiêu của các bạn, thông thường nhà tuyển dụng sẽ rất quan tâm đến cái này. Nếu mục tiêu của bạn phù hợp với tính chất công việc của dự án hoặc công ty, bạn sẽ có khả năng làm tốt và gắn bó lâu dài.
Phần 2: Các thông tin cơ bản của bạn
Các thông tin trong phần này bao gồm năm sinh, tên, trường đại học, khả năng ngoại ngữ, thông tin liên hệ. Trong trường hợp các bạn công khai CV lên linkedin thì có thể ẩn thông tin liên hệ đi để tránh làm phiền. Tuy nhiên khi gửi CV cho nhà tuyển dụng thì các bạn phải đưa vào để họ còn liên lại được với bạn.
Phần 3: Danh sách các kỹ năng của bạn.
Bạn ghi vào CV các kỹ năng mà bạn tự tin. Nhà tuyển dụng khi nhìn vào đấy sẽ dễ dàng so sánh các kỹ năng bạn có với các kỹ năng yêu cầu trong dự án để đánh giá độ phù hợp.
Phần thứ 4: Kinh nghiệm bạn đã có
Phần này sẽ liệt kê các dự án mà bạn đã làm, các kỹ năng cần có trong dự án đó. Một lời khuyên dành cho mọi người khi viết phần này chỉ cần nêu bật được các kỹ năng học được từ dự án mà thôi. Phần mô tả dự án nên thật ngắn gọn và dễ hiểu, đừng viết quá chi tiết. Lý do đơn giản là nhà tuyển dụng không phải là người làm dự án cùng với bạn, nên họ đọc sẽ cảm thấy khó hiểu chứ không giống bạn. Cái mà họ quan tâm là dự án của bạn làm sử dụng kỹ thuật và kỹ năng nào mà thôi. Lưu ý là bạn nên liệt kê theo thứ tự dự án nào mới nhất thì để ở trên cùng. Tức là thứ tự gian sẽ giảm dần theo chiều từ trên xuống dưới.
Phần cuối: Sở thích
Bạn liệt kê một vài sở thích của mình, ưu tiên những sở thích có liên quan đến công việc. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm 1 số contact là sếp cũ hoặc đồng nghiệp cũ của bạn, trong trường hợp HR muốn tham khảo thông tin, họ có thể gọi điện hỏi những người kia.
Bạn có thể tùy ý thay đổi thứ tự các phần của CV, không nhất thiết phải để thứ tự giống như trên. Tuy nhiên, nếu như bạn xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp từ đầu thì chiếc CV sẽ giống như một câu chuyện kể về sự cố gắng của bạn. Các kỹ năng mà bạn nắm được sẽ xoay quanh mục tiêu của bạn. Những kinh nghiệm, dự án mà bạn làm sẽ giống như những bậc thang, từ dễ đến khó, càng về sau sẽ càng gần với mục tiêu của bạn hơn.
Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý một số điều nhỏ nhặt khác nữa. Ví dụ, trong CV chỉ nêu ra những điểm mạnh của bạn, những cái gì bạn yếu thì đừng viết ra làm gì. Ngoài ra, nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi dựa vào những thứ bạn liệt kê trong CV. Vì vậy, hãy chọn lọc kỹ lưỡng trong khi viết CV, cái gì bạn không tự tin thì đừng viết ra kẻo phỏng vấn không trả lời được thì sẽ rất mất điểm. Một ứng viên trả lời tốt những gì mình đã làm và sẵn sàng học thêm cái mới luôn đạt điểm cao hơn 1 ứng viên biết nhiều thứ nhưng cái gì cũng chỉ ở mức làng nhàng. Học sâu hơn biết rộng. Trong CV nếu có thể, bạn nên đính kèm ảnh cá nhân vào để tạo cảm giác thân thiện hơn đối với nhà tuyển dụng.
CV dưới đây là một ví dụ:
![](https://vinalinux.com.vn/wp-content/uploads/2024/01/image-50.png)
![](https://vinalinux.com.vn/wp-content/uploads/2024/01/image-51.png)
Trong CV này, các bạn có thể dễ dàng thấy được một số điểm trừ như sau. Đầu tiên, công việc của mình chủ yếu xoay quanh Linux embedded nhưng kỹ năng về phần cứng của mình yếu, thứ 2 khả năng Ngoại Ngữ của mình còn nhiều hạn chế (toeic khoảng 600) so với số năm kinh nghiệm. Thêm nữa, mình yếu về các kỹ năng như Makefile, Yocto, Python. Tuy nhiên đây là do kỹ của mình thiếu sót thật, CV mình cũng đã viết hết sức so với những gì mình có.
Các bạn có thể tiếp tục tham khảo một ví dụ khác:
![](https://vinalinux.com.vn/wp-content/uploads/2024/01/image-52.png)
Đây là CV được viết bởi 1 bạn sinh viên chưa ra trường. Đối với CV của bạn sinh viên thì khá ok. Đã nêu rõ mục tiêu nghề nghiệp là Linux embedded. Các kỹ năng trong CV cũng xoay quanh lập trình Linux embedded như C, VDK, Linux driver,… Nếu mọi người tinh ý thì kinh nghiệm bạn ý không nhiều, chủ yếu là học trên trường bình thường, ngoài ra có tham gia 1 khóa học về lập trình ARM khoảng 3 tháng và 1 khóa thực tập về Linux tại Fsoft khoảng 2 tháng. Tuy nhiên nếu bạn nào đang làm về Linux BSP thì đều có thể thấy đây là 1 CV rất đẹp ở trình độ sinh viên.
Trên đây là một vài chia sẻ nhỏ. Cảm ơn các bạn đã quan tâm. Hy vọng bài viết này sẽ có ích đối với các bạn.