Chi tiết quá trình học của 1 bạn sinh viên trong 4 – 5 năm đại học để khi ra trường có 1 công việc tốt với mức lương trên 20 triệu.
![](https://vinalinux.com.vn/wp-content/uploads/2024/01/image-26.png)
1. Năm thứ nhất
Đa số chúng ta đều nhận thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh trong tất cả các ngành nghề. Vì vậy, đối với các bạn sinh viên năm nhất – khi chương trình học về lí thuyết còn tương đối nhẹ nhàng, nên tập trung hết sức vào việc học tiếng anh. Mục tiêu đến tầm năm 3 hoặc 4 đi thực tập là tiếng anh phải giao tiếp tốt. Toeic tối thiểu tầm 700. Trong năm 1 và 2 học khá nhiều môn đại cương và có nhiều môn không có tác dụng gì ngoài chuyện điểm số. Ví dụ như các môn về chính trị, hoá học, 1 số loại toán cao cấp, 1 số môn đã lỗi thời.
(Theo quan điểm của mình thì chỉ cần ra trường với tấm bằng khá là được. Không có sự khác biệt rõ ràng về sự nghiệp của 1 bạn lập trình viên có bằng khá với 1 bạn có bằng giỏi. Trừ trường hợp các bạn xác định sẽ học tiếp sau đại học thì nên tập trung vào điểm số để kiếm học bổng. Còn không thì mình khuyên là nên dồn hết năng lượng vào các môn chuyên ngành, tiếng anh và đi thực tập.)
2. Năm thứ 2
Thời gian này chúng ta sẽ bắt đầu học lập trình đại cương ở trên trường, hoặc có thể đã học từ năm thứ nhất. Nên tập trung vào học những môn nền tảng về lập trình như lập trình C/C++, cấu trúc dữ liệu và giải thuật. Làm về embedded thì chỉ cần học về giải thuật cơ bản như tìm kiếm nhị phân, thuật toán tìm đường… Thực ra về công việc cũng không phải triển khai giải thuật trong code, tuy nhiên giải thuật sẽ giúp phát triển tư duy lập trình. Khiến cho việc lập trình sau này rõ ràng mạch lạc và đọc hiểu những bộ source code phức tạp được nhanh hơn.
3. Năm thứ 3
Trong năm tiếp theo, khi đã bắt đầu học các môn chuyên ngành. Thời gian này nên học lập trình hướng đối tượng. Có thể học thông qua ngôn ngữ C++ hoặc 1 ngôn ngữ phổ biến khác như Python hoặc Golang. Làm embedded sau này thường sẽ phải làm cả application cả driver nên chúng ta nên biết thêm 1 ngôn ngữ bậc cao.
(Ngoài ra mình thấy các bạn bên điện tử thường yếu về OOP nên phần code app cho sản phẩm không được tốt lắm).
4. Nửa cuối năm 3 và nửa đầu năm 4
Đây là thời điểm cho các bạn học chuyên sâu về chuyên ngành. Bao gồm làm mạch, các loại giao thức, lập trình vi điều khiển. Về phần lập trình vi điều khiển thì nên học lập trình MCU ở mức độ thanh ghi trên các dòng chip ARM. Sinh viên khi học ở đại học không nên học lập trình Adruino. Vì lập trình Adruino hầu hết dùng qua thư viện khiến cho người học không hiểu sâu bản chất bên trong. Thực tế, khi đi làm chúng ta cũng ít khi đã can thiệp xuống thanh ghi. Thông thường, các hãng chip họ sẽ cung cấp cho chúng ta những bộ BSP hoặc SDK đi kèm để sử dụng. Việc lập trình lúc đấy cũng tương tự như Andruino. Tuy nhiên, việc hiểu sâu bản chất bên trong thay vì chỉ đơn giản biết hàm nào dùng làm gì sẽ khiến cho code của chúng ta được tối ưu hơn. Khi đi phỏng vấn đa số người phỏng vấn thường hỏi sâu để xem các bạn có nắm được bản chất vấn đề không?
5. Cuối năm 4
Đây là thời gian cho các loại đồ án chuyên ngành. Thông thường, nếu đồ án các bạn code bằng Adruino hoặc làm app thì sẽ dễ được điểm cao hơn. Vì sản phẩm bắt mắt và dễ hiểu với các thầy cô. Trái lại, nếu các bạn viết driver, porting hoặc làm các đồ án ở mức trình độ thấp thì sản phẩm sẽ không bắt mắt và khó trình bày. Nhìn chung về mặt điểm số có thể thiệt thòi hơn. Bù lại, các bạn sẽ thu được nhiều kiến thức và lợi thế khi phỏng vấn => Lương cao hơn.
Một lời khuyên cho các bạn khi chọn đồ án đó chính là nên làm quen với các anh kỹ sư có nhiều kinh nghiệm, nhắn tin hỏi họ về các loại công nghệ đang phổ biến sau đó nhờ họ đưa ra những đề tài mang tính thực tiễn cao. 1 đồ án tốt nghiệp làm khoảng 3 4 tháng nếu làm đúng với các loại công nghệ mới nhất thì kiến thức và kinh nghiệm thu về không phải là ít. Ngược lại, trong trường hợp các bạn chọn sai đề tài, ngoài vấn đề điểm số có thể không thu được gì.
Ở năm thứ 4 sẽ có môn thực tập chuyên ngành. Các bạn nên tìm hiểu về hướng đi của mình sau này. Biết được mình thích gì. Embedded cũng chia ra rất nhiều lĩnh vực con trong đó. Sau khi lựa chọn hướng đi rồi thì nên xin thực tập ở các công ty lớn đang làm về lĩnh vực đó. Thực tập không lương cũng được. Tiêu chí kiến thức và kinh nghiệm nên được đặt lên đầu.
6. Năm thứ 5
Thời gian này có thể các bạn đã tốt nghiệp, hoặc nếu hệ 5 năm thì cũng đã hoàn thành hết chương trình trên trường nếu như các bạn làm tốt trong 4 năm trước. Lúc này, bạn nên tham gia vào các chương trình fresher hoặc xin thực tập, làm việc toàn thời gian tại dự án.
Nếu làm tốt thì đến khi tốt nghiệp các bạn đã có khoảng 1 năm kinh nghiệm, Toeic 700 và hệ thống kiến thức nền tảng vững chắc. Mức lương 20 triệu đối với 1 lập trình viên như vậy là hoàn toàn bình thường.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Chúc các bạn thành công trên con đường mình đã chọn!