Tản mạn về nghề embedded tester

Nghề embedded tester rất phổ biến ở Việt Nam – đất nước oursourcing phần mềm. Tuy nhiên có không ít những người làm trong đang có cảm giác chán nản, thấy bản thân mình không học hỏi được gì. Bản thân tôi cũng từng làm embedded testing rồi. Vậy nên, hôm nay tôi xin được chia sẻ góc nhìn cá nhân của mình về nghề này.

Nghề tester tạm chia ra làm 2 hướng, automation test và manual test. Automation test thì thực ra chính là Software development rồi nên tôi không bàn luận ở đây. Tôi chỉ tập trung vào hướng manual test – cái mà đa số anh em embedded tester đang làm.

Nghề tester nói chung thì công việc mang tính lặp đi lặp lại nhiều, yêu cầu người làm việc phải có sự nhẫn nại và cẩn thận. Thông thường, những phẩm chất đó vốn dĩ thích hợp với phụ nữ hơn là đàn ông. Tuy nhiên đối với mảng embedded, do cần nhiều kiến thức về điện tử nên phần lớn những người làm test cho embedded đều là nam giới, phụ nữ làm được mảng này rất ít.

Không thể phủ nhận rằng, công việc này có tính chất lặp đi lặp lại nhiều, dễ gây ra không ít cảm giác chán nản cho những người trong nghề. Tuy nhiên, việc có học hỏi gì từ nghề này hay không? Sau này có thể chuyển hướng làm về development hay không? Điều này phụ thuộc vào chính cách mà chúng ta tiếp cận với vấn đề.

Thông thường công việc trong các dự án testing về embedded sẽ bao gồm những phần sau:

  • Nghiên cứu ticket và viết test case, thường sẽ là manual test case. (1)
  • Thực hiện manual test case, check kết quả theo input và output ghi trên test case. (2)
  • Phát triển hệ thống automation test. Bao gồm việc chuyển hoá các manual test case sang dạng automation. (3)
  • Làm hệ thống tài liệu, đóng gói package cho việc release sản phẩm. (4)

Nếu bạn cảm thấy mình thích hợp với nghề tester thì nên phát triển chuyên sâu theo hướng system test – manual hoặc automation test. Càng ngày hệ thống AI và automation test càng phát triển, những công việc đơn giản sẽ dần bị tự động hoá bởi máy móc. Nghề manual tester đang bị thu hẹp dần, không chỉ trong lĩnh vực embedded mà còn trong cả Software application.

Còn nếu bạn xác định lâu dài sẽ theo hướng embedded development mà lại đang làm về testing, vậy bạn sẽ học để bổ sung kiến thức như thế nào. Về cơ bản thì trong số các công việc kể trên thì đúng là đầu việc (2) và (4) sẽ không học được gì. Tuy nhiên (1) và (3) có khá nhiều thứ hay ho để học.

Thường ở Việt Nam sẽ outsourcing cho các tập đoàn đúng top trên thế giới, do vậy kỹ sư của họ và chúng ta có sự chênh lệch nhau rất nhiều về trình độ. Trước đây, mỗi khi nghiên cứu ticket và làm manual test case, tôi thường bỏ ra thêm thời gian để nghiên cứu sâu về chức năng của module đó, cách nó hoạt động, giao tiếp và tương tác với các thành phần trong hệ điều hành Linux. Ngoài ra tôi hay xem kỹ phần code mà các bạn dev ở team khách hàng làm, khá nhiều điều có thể học được từ họ. Các dự án outsourcing thường có hệ thống tài liệu đồ sộ – thường là kế thừa từ phía khách hàng. Chịu khó bỏ thời gian ra đọc tài liệu cũng giúp kiến thức của mình tăng lên rất nhiều. Tôi hay tạo các ticket nghiên cứu về tính năng của các module trong hệ thống và đăng ký với người quản lý. Sau khi nghiên cứu xong mình sẽ seminar lại cho anh em, ngoài việc tăng kiến thức cho mình thì nó cũng giúp ích rất nhiều cho dự án. Anh em làm việc và hiểu thực sự về cái mình đang làm chứ không phải làm 1 cách máy móc.

Tại sao ở Việt Nam lại có nhiều công việc outsourcing về testing như vậy?

  • Đầu tiên, chúng ta có 1 nền công nghiệp yếu về sản xuất máy móc.
    Việc thiếu một nền công nghiệp sản xuất máy móc mạnh mẽ có thể gây khó khăn trong việc tự sản xuất các sản phẩm nhúng. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc cao vào việc nhập khẩu linh kiện và thiết bị từ các quốc gia khác. Thiếu sự đa dạng trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhúng có thể là một rủi ro.
  • Thứ 2, số lượng job outsourcing về development mới tăng ở những năm gần đây, còn trước đó đa phần là về testing.
    Nguyên nhân có thể là phần development họ muốn giữ lại ở nước sở tại hoặc có thể do trình độ kỹ sư của chúng ta vẫn còn yếu. Dev về embedded cũng khó hơn so với Software application.

Hiện tại các công việc làm về embedded development cho các công ty outsourcing mình có thể có mức lương và môi trường làm việc rất hấp dẫn. Thậm chí còn tốt hơn các công ty về sản phẩm ở trong nước. Tuy nhiên, yêu cầu đầu vào mình đang còn khá cao, chủ yếu dành cho kỹ sư đi làm đã có một vài năm kinh nghiệm. Còn các công việc về testing thương có yêu cầu đầu vào dễ chịu hơn, phù hợp với các bạn mới ra trường. 1 bạn sinh viên mới ra trường, muốn tìm được công việc về development có mức lương tốt, môi trường sử dụng tiếng anh thì chắc hẳn không phải là việc dễ dàng.

Dẫu vậy, các cụ hay nói “Trong nguy thì có cơ”. Người thành công là người luôn cố gắng tìm ra cơ hội ngay trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại của mình. Trên hết, việc thay đổi trong suy nghĩ và hành động sẽ giúp ích cho chúng ta hơn là những cảm xúc tiêu cực.

Trên đây là góc nhìn cá nhân của bản thân tôi. Rất mong nhận được những ý kiến phản biện của mọi người. Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top