Đa số mọi người hay than phiền rằng dự án đang làm không học được gì cả. Thực sự cái này chiếm phần đa số, cho dù các bạn đang làm ở dự án outsourcing hay product. Chỉ một số ít cảm thấy bản thân học hỏi được nhiều tự công việc đang làm.
Khi còn là sinh viên thì việc học tương đối là rõ ràng. Lộ trình học hành, học những cái gì và học như thế nào đều có các thầy cô chỉ rõ. Chúng ta cứ việc làm theo. Tuy nhiên sau khi đi làm, sẽ không có ai chỉ bảo cho chúng ta như vậy nữa. Đối với nghề lập trình, lĩnh vực với rất nhiều các loại công nghệ, xu hướng, chuyên ngành… Thành ra sau khi rời khỏi ghế nhà trường, chúng ta còn phải học rất nhiều nữa, không kém gì khi còn ở trường đại học. Tuy nhiên việc học lúc này sẽ chuyển sang một giai đoạn khác, chúng ta cần phải tự giác và có 1 cái nhìn rõ ràng về nghề nghiệp.
Dù làm ở bất kỳ dự án nào thì luôn có cái gì đó để học cho chúng ta. Ở các dự án outsourcing về phát triển, chúng thường học sẽ yêu cầu phần code phải có chất lượng cao. Chúng ta sẽ học được các kỹ thuật code tối ưu và ít lỗi. Ở các dự án outsourcing về kiểm tra, chúng ta có thể học được các kỹ thuật về tự động hóa, được xem cách các lập trình viên ở những nước phát triển họ phát triển mã nguồn (source code) như thế nào. Ngoài ra, ở các công ty outsourcing thường được tiếp cận hệ thống tài liệu và mã nguồn (source code) đồ sộ của khách hàng, nếu chúng ta bỏ thời gian ra đọc thì cũng có nhiều thứ để học. Khi làm ở các công ty sản phẩm của Việt Nam, chúng ta có cơ hội trải nghiệm toàn bộ quá trình phát triển 1 sản phẩm. Từ việc phân tích yêu cầu của khách hàng để đưa ra requirement. Nếu làm trong 1 công ty về sản phẩm thì chúng ta sẽ hiểu rõ hơn lý do tại sao chúng ta phải làm 1 tính năng, thay vì chỉ làm theo yêu cầu của người quản lý. Chúng ta sẽ có cái nhìn rộng hơn về cách làm 1 sản phẩm phần mềm nó sẽ như thế nào.
Nói chung thì dù làm ở đâu và ở vị trí nào thì đều có những thứ chúng ta có thể học, nếu như chúng ta luôn có tâm thế chủ động. Sự chủ động của bản thân có thể liệt kê qua một số ví dụ như sau:
- Có mục tiêu dài hạn và rõ ràng về nghề nghiệp. Thay vì đi làm vì cuộc đời bắt chúng ta phải làm thế, chúng ta hiểu rõ bản thân mình muốn gì và có 1 mục tiêu dài hạn về nghề nghiệp ~ 10 năm. Từ đó chúng ta có thể biết được việc chúng ta làm hôm nay có đi đúng với con đường đấy không. Trong đầu luôn phải xác định rõ về con người mà mình muốn trở thành trong tương lai.
- Lựa chọn dự án không nên chỉ nhìn vào lương. Nếu như kinh nghiệm thu được từ dự án không phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của chúng ta đặt ra, nó chỉ cho bạn 1 mức lương cao và môi trường làm việc tốt thì việc bạn chuyển sang dự án đó chưa chắc đã tốt về mặt lâu dài. Mức lương thấp trong 2, 3 năm không phải là vấn đề quá lớn, nếu như công việc đó phù hợp với mục tiêu của bạn. Trong nghề lập trình, kiến thức khi tích luỹ đủ thì chắc chắn sẽ đổi được ra tiền, vấn đề của nó chỉ là vào thời điểm nào mà thôi.
- Có thái độ chủ động với công việc. Không nên suy nghĩ theo kiểu tôi sẽ làm việc đúng với mức lương mà tôi nhận được. Thay vào đó ta nên xung phong nhận những phần việc mà nó liên quan đến mục tiêu nghề nghiệp của chúng ta. Đừng quá bận tâm về việc làm xong chúng ta sẽ nhận được bao nhiêu tiền, như ý ở trên, kiến thức mới là cái quan trọng.
- Luôn cố gắng hiểu rõ về công việc mình làm. Khi lập trình tuyệt đối tránh chuyện “copy paste” chạy được là xong. Mỗi khi tìm được 1 ví dụ code có thể chạy được, phải luôn đọc kỹ và trả lời được câu hỏi tại sao nó lại chạy được và liệu nó có lỗi tiềm ẩn nào không.
Tóm lại, việc tốt nghiệp đại học chỉ là bước đầu tiên trong quá trình học tập của một lập trình viên. Trong một ngành nghề đặc trưng bởi sự thay đổi liên tục và nhanh chóng của công nghệ, việc học tập là một quá trình kéo dài và không ngừng. Trong lĩnh vực lập trình, việc dừng lại có thể đồng nghĩa với việc tụt lại phía sau, vì để thành công và phát triển, việc theo kịp xu hướng và cập nhật kiến thức là chìa khóa quan trọng.