Ngưỡng trình độ của lập trình viên.

Khi mới ra trường, hầu hết chúng ta đều cảm thấy hứng thú với công việc, trình độ và mức lương tăng nhanh theo thời gian. Tuy nhiên khoảng thời gian để người lập trình viên duy trì mức tăng lương 10 – 20% 1 năm không kéo dài mãi, thường sẽ từ 5 – 10 năm tùy theo từng người. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, lương của ta mỗi năm chỉ tăng chút ít theo mức lạm phát, đi phỏng vấn ở các công ty khác cũng không đề xuất được mức cao hơn. Vâng, đó là lúc chúng ta đã đạt đến ngưỡng trình độ của mình!

Trong nghề lập trình, ngưỡng trình độ là mức cao nhất mà bản thân mỗi người có thể đạt đến về mặt chuyên môn. Khi đã đến mức này, gần như chuyên môn sẽ không tăng thêm dù cho chúng ta làm thêm 5 hay 10 năm nữa. Ngưỡng này cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào đặc điểm riêng của từng cá nhân. Có thể liệt kê ra 1 số yếu tố như sau:

  • Kiến thức nền tảng.
    Bao gồm những môn như kiến trúc máy tính, vi xử lý, OOP, hệ điều hành…
    Có kiến thức nền tảng tốt sẽ làm tăng ngưỡng trình độ của chúng ta về sau.
  • Tiếng anh.
    Trong bất cứ ngành nghề nào nói chung, tiếng anh đều giữ vai trò vô cùng quan trọng. Xét trong lĩnh vực lập trình nói riêng, tiếng anh tốt giúp cho chúng ta dễ học tập về công nghệ hơn, có hội được làm việc trong các công ty nước ngoài, học hỏi từ đồng nghiệp senior ở các nước phát triển.
  • Tình yêu đối với nghề.
    Tình yêu nghề giúp chúng ta chịu khó học hỏi hơn, hay tự đặt câu hỏi cho các vấn đề trong công việc. Tình yêu với chính công việc hàng ngày sẽ giúp người lập trình viên đi được xa hơn. Đây có lẽ là một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc quyết định vị trí của “ngưỡng” đó cho mỗi người trong nghề.
    Nếu người lập trình viên không có tình yêu với nghề. Trong công việc chỉ muốn làm cho code của mình chạy được, không muốn bỏ thêm thời gian để tìm hiểu về bản chất vấn đề. Thời gian rảnh không chủ động tìm hiểu thêm về công nghệ thì ngưỡng của anh ta sẽ đến rất nhanh, có thể chỉ sau 3 – 4 năm đi làm.
    Ngược lại, nếu người lập trình viên yêu nghề, ham tìm hiểu. Tuy nhiên cái tôi quá lớn, không muốn lắng nghe ý kiến của người khác, luôn cho rằng mình đúng thì có thể sau 5 – 10 năm anh ta cũng đạt đến cái ngưỡng của mình.
  • Tính cách
    Những phẩm chất như khiêm tốn, biết lắng nghe, sẵn sàng nhìn nhận và chấp nhận khuyết điểm của bản thân, cùng với khả năng thích ứng và sẵn lòng thay đổi,… đều rất quan trọng trong sự phát triển chuyên môn, đặc biệt là khi bạn đạt được cấp độ senior trở lên trong sự nghiệp.
    Những tính cách tích cực này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tương tác với đồng đội. Sự hiểu biết, tôn trọng và hỗ trợ giúp xây dựng một môi trường làm việc tích cực, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của đội nhóm. Những yếu tố này hội tụ trong tính cách của một lập tình viên không chỉ làm tăng chất lượng công việc cá nhân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả tổ chức và cộng đồng chuyên ngành.
  • Loại công nghệ trong lĩnh vực mà chúng ta đang làm.
    Nếu như lĩnh vực chúng ta đang làm có công nghệ thay đổi quá nhiều thì có nghĩa là kiến thức chúng ta mất đi theo thời gian cũng lớn. Vì vậy, để không bị lạc hậu và tiến bộ lên từng ngày thì lượng kiến thức chúng ta nạp vào hàng năm phải lớn hơn lượng kiến thức mất đi.

Ngưỡng trình độ ở mức nào sẽ khác nhau giữa từng cá nhân. Có người chỉ sau 3 – 4 năm đi làm đã không tiến bộ được nữa. Nhưng có những người khác sau 15 – 20 năm họ vẫn có thể phát triển tiếp được về mặt chuyên môn, mặc dù có thể không nhanh được như lúc trẻ. Nhìn chung ai cũng sẽ có cái ngưỡng của mình, và tất nhiên việc vượt qua được nó không phải là dễ. Tuy nhiên, khi vượt qua được giới hạn của mình thì bản thân sẽ chuyển sang được 1 trang khác kèm theo đó là những cơ hội nghề nghiệp mở rộng hơn.

Vậy nên trong nghề lập trình, 1 bạn lập trình viên có 1 năm kinh nghiệm thường sẽ giỏi hơn sinh viên mới ra trường. 5 năm kinh nghiệm chắc chắn sẽ giỏi hơn 2 năm. Nhưng 10 năm kinh nghiệm chưa chắc giỏi hơn 5 năm và 20 năm kinh nghiệm chưa chắc đã bằng người đi làm 10 năm. Càng đi làm lâu thì việc đánh giá ứng viên theo năm kinh nghiệm càng giảm xuống. Nên nếu nói người đi làm 20 năm lương phải cao hơn người 10 năm theo mình là không chính xác.

Theo quan điểm cá nhân mình, khi nói về “ngưỡng” của 1 lập trình viên sau 10 năm đi làm không phải là sau 10 năm thì họ lập trình không tốt nữa. Tại thời điểm đó họ có thễ vẫn làm rất tốt công việc của mình, nhưng chỉ là từ đó trở đi họ không thể làm tốt hơn nữa được thôi.
Để đánh giá được chính xác về khả năng chuyên môn của một người thì thường là chúng ta cũng phải có level gần tương đương với họ. Cũng giống như khi phỏng vấn, trình độ của người phỏng vấn phải tương đương với ứng viên thì mới đánh giá chính xác được. Lập trình viên ở các nước phát triển hay ở VN thì đều sẽ có những giới hạn này, nhưng thường ở các nước phát triển thì cái ngưỡng của họ sẽ cao hơn của chúng ta do nhiều nguyên nhân, ví dụ như nền tảng về giáo dục…
Ví dụ như ở Mỹ nếu mọi người lên google tìm kiếm thử về mức lương cho senior thì sẽ dao động từ khoảng 120k – 170k/năm. Và mức độ tăng lương về sau của họ rất ít. Nhưng mức lương cho level chuyên gia bên đó có thể lên đến 400 – 800k. Nhìn vào con số khách quan này thì có thể thấy bản thân senior ở tây có thể cũng gặp vấn đề giống với senior ở ta

Từ góc nhìn của bản thân, các bạn suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top